Asset Publisher

null Hạn chế lây lan từ trẻ em sang người nhóm nguy cơ

Hạn chế lây lan từ trẻ em sang người nhóm nguy cơ

Hạn chế lây lan từ trẻ em sang người nhóm nguy cơ

----------------------

Chiều 3/3, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM kiêm Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM đã chủ trì buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM.

Mở đợt cao điểm mới bảo vệ người có nguy cơ

Thông tin tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 2/3/2022, có 539.836 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 538.902 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 934 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị 4.576 bệnh nhân, trong đó có 305 trẻ em dưới 16 tuổi, 58 bệnh nhân nặng đang thở máy, 7 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 2/3 có 879 bệnh nhân nhập viện, 549 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 320.836), 2 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 20.435).

Thông tin về các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn TP, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP, Sở Y tế đang theo sát tình hình dịch trên địa bàn. Tại cuộc họp chiều nay của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đưa ra chỉ tiêu, cố gắng phấn đấu trong 2 tuần tới sẽ vượt qua đỉnh dịch. Để làm được điều này, UBND TP Thủ Đức, các quận huyện, phường, xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm đánh giá cấp độ dịch tại địa phương và khắc phục ngay điểm yếu của mình. Thực hiện các nội dung theo Nghị quyết 128, trong đó việc mở hay đóng cửa các hoạt động theo hướng dẫn để làm sao kiểm soát tốt tình hình, phấn đấu “vùng cam” thành “vùng vàng” và “vùng vàng” thành “vùng xanh”… Về lâu dài, TP tiếp tục mở đợt cao điểm mới bảo vệ người có nguy cơ từ nay đến hết 31/3. Theo đó, sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cập nhật thêm các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ, tức là người trên 65 tuổi kèm theo bệnh nền, tầm soát người thuộc nhóm nguy cơ cao để kịp thời phát hiện F0; chủ động phát hiện người trong nhóm này chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều để vận động, thuyết phục tiêm cho đủ liều… Một nội dung khác là thực hiện các biện pháp hạn chế lây lan từ trẻ em sang người nhóm nguy cơ. Theo đó có hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ mắc Covid-19. Tất cả trẻ dưới 12 tuổi có triệu chứng (cụ thể sốt) cần được khám và tầm soát Covid-19. Với các hộ gia đình không đủ điều kiện cách ly riêng trẻ mắc Covid-19 với người thuộc nhóm nguy cơ cao nên cho trẻ nhập viện điều trị. Các cơ sở y tế sẵn sàng tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.

Trao đổi về việc đưa ra các biện pháp phòng chống dịch đối với các phường, xã, thị trấn là vùng cam, đồng chí Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay, tùy theo tình hình cấp độ dịch ở địa phương, người đứng đầu ở địa phương đó sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp với cấp độ dịch.

Liên quan đến nội dung này, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, sau khi các cơ sở báo lên có 13 phường, xã là “vùng cam”, TP chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền người dân vùng đó biết được mình ở vùng cam để tăng cường hơn nữa, thực hiện nghiêm biện pháp 5K, đặc biệt giảm hội họp, tụ tập để đảm bảo theo quy định. Đồng thời chỉ đạo phường, xã, thị trấn là “vùng cam” tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thực hiện đúng quy định.

Chỉ xét nghiệm với F1 có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh

Trao đổi các hoạt động của ngành giáo dục, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục – Đào tạo TP) Trịnh Duy Trọng cho biết, ngành giáo dục đang cố gắng nỗ lực triển khai dạy học trực tiếp trong điều kiện tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các trường học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo duy trì hai hình thức dạy học vừa trực tiếp và dạy học gián tiếp để đảm bảo việc học tập cho những học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp. Khi những học sinh này quay trở lại trường học tập trực tiếp các trường phải rà soát lại và có kế hoạch bồi dưỡng cho những học sinh này.

Về biện pháp xử lý F0, F1 trong các cơ sở giáo dục, đồng chí Trịnh Duy Trọng cho rằng, hiện nay các cơ sở giáo dục đã có quy định thống nhất về xử lý F1, F0. Cụ thể, khi trong lớp có 1 F0 thì y tế địa phương và cơ sở giáo dục sẽ phối hợp với nhau để xác định F1. Chỉ tiến hành xét nghiệm cho các đối tượng F1 khi có những biểu hiện và triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Bên cạnh đó, trong văn bản mới của UBND TP cũng lưu ý các cơ sở giáo dục lập danh sách học sinh thuộc nhóm nguy cơ để có định hướng theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày đối với lớp có F0. Các học sinh thuộc nhóm đối tượng nguy cơ sẽ được quan tâm kỹ hơn trong quá trình học tập tại trường và thực hiện nghiêm ngặt hơn các biện pháp phòng dịch khi các em học tập trực tiếp tại trường.

Trao đổi về việc đi học của học sinh, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đồng chí Phạm Đức Hải nhấn mạnh, bảo vệ tính mạng sức khỏe trẻ em là trên hết, trước hết. Mọi việc đều phải hành xử theo quan điểm đó. TP đã có chiến dịch bảo vệ trẻ em trong đó là trẻ em có nguy cơ cao, trẻ bị béo phì. Bên cạnh đó, phụ huynh chính là người theo dõi sức khỏe con em mình, theo dõi tình hình F0, F1 tại lớp, trường con mình học, từ đó quyết định con mình học theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến. Hiện nay ngành giáo dục đang duy trì 2 hình thức học, nếu học sinh không học trực tiếp được có thể học trực tuyến. Ngành giáo dục đang nỗ lực, dù hình thức học nào cũng đảm bảo chất lượng giáo dục.

(Nguồn Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh)